Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Tôm chiên giòn món ăn Nhật Bản hút du học sinh Việt

Tôm chiên giòn món ăn Nhật Bản hút du học sinh Việt. Cùng món ăn ngon nhật bản vào bếp làm món tôm chiên giòn nhé (EBI FURAI)
Thành phần (cho 4 người)
· 8 con tôm
· 1 quả trứng
· Bột
· Bột cà mì (bột chiên xù)
· Muối và hạt tiêu
· Dầu thực vật để chiên
· 1 trái chanh

Với bắp cải thái mỏng
· 2 lá bắp cải
Với nước sốt kem trứng kiểu Nhật tartare
· 1/3 chén mayonnaise (khoảng 60 g)
· 1 quả trứng luộc dầm nhỏ
· 3 muỗng canh hành tây xắt nhỏ
· Muối và hạt tiêu

Tôm chiên giòn món ăn Nhật Bản hút du học sinh Việt
Cách chế biến
Thái bắp cải thành những sợi mỏng khoảng 1 mm. Ngâm bắp cải thái mỏng trong nước lạnh khoảng 5 phút và sau đó đổ ra giá cho ráo nước.
Trộn các nguyên liệu làm nước sốt tartare.
Lột bỏ chân và vỏ tôm, nhưng để lại đuôi và một ít vỏ ở phần đuôi. Rửa tôm, sau đó rạch những vết nhỏ ở bụng tôm, mỗi vết rạch cách nhau khoảng 1 cm. Sau đó uốn cong ngược con tôm, để cho thân tôm thẳng. Một con tôm thẳng trông to hơn và ngon mắt hơn.
Để cho tôm khô và rắc muối và hạt tiêu lên. Sau đó, phủ ra bên ngoài tôm bằng bột, trứng đã đánh tơi và bột cà mì.
Đun nóng dầu trong chảo ở nhiệt độ 170ºC. Cho tôm đã tẩm ướp vào dầu nóng và chiên trên lửa vừa khoảng 2 phút cho đến khi tôm chuyển sang màu nâu vàng. Chiên tôm thành hai mẻ, mỗi mẻ 4 con. Không nên chiên tất cả tôm cùng một lúc, nếu không dầu sẽ mất nhiệt, khiến lớp phủ với bột cà mì không giòn.
Sắp bắp cải thái mỏng lên đĩa và đặt tôm bên cạnh. Ăn tôm chiên cùng với chanh và nước sốt tartare.
Kiến thức ẩm thực
Bắp cải thái mỏng
Ở Nhật Bản, bắp cải thái mỏng là thành phần tô điểm rất phổ biến cho các món rán với tôm, gà, sò và cá. Cách trang trí này lần đầu tiên xuất hiện là khoảng 100 năm trước, trong một nhà hàng theo kiểu phương Tây ở Tokyo. Bắp cải bào mỏng giúp các món chiên trông tươi ngon hơn và từ đó nó rất hay được sử dụng. Bắp cải được thái mỏng chỉ khoảng 1 mm, ăn rất giòn và ngọt. Để bào được bắp cải mỏng như thế, đã có những dụng cụ chuyên dụng. Ngoài ra, trong các cửa hàng có bán những túi bắp cải đã được thái sẵn bằng máy, rất tiện cho người tiêu dùng.

Các bạn đi du học Nhật bản vừa học vừa làm đừng quên thưởng thức món này khi sang tới nhật nhé

ST

Thịt cừu nướng kiểu Nhật Bản vô cùng hấp dẫn

Hôm nay món ăn ngon Nhật Bản xin chia sẻ cách làm món Thịt cừu nướng kiểu Nhật Bản vô cùng hấp dẫn  JINGISUKAN
Thành phần (cho 4 người)
・400 g thịt cừu thái mỏng
・1 củ hành tây (200 g)
・2 quả ớt chuông
・1/4 cây bắp cải (200 g)
・1/8 quả bí đỏ (200 g)
・Dầu ăn

(Để làm sốt)
・1/4 quả táo (50 g)
・1/4 củ hành tây (50 g)
・1 tép tỏi
・1 củ gừng (15 g)
・4 thìa canh xì dầu Nhật
・1 thìa canh đường
・2 thìa canh nước cam
Cách chế biến
Làm nước sốt. Gọt vỏ và bỏ lõi táo, sau đó nghiền và cho vào bát. Tương tự, gọt vỏ và nghiền hành tây, tỏi và gừng. Sau đó cho phần củ quả vừa nghiền vào xì dầu, cùng với đường, nước cam, khuấy đều.
Sơ chế rau củ. Bóc vỏ hành tây. Bổ đôi theo chiều dọc, bỏ phần lõi xanh, rồi xắt theo chiều dọc thành những miếng rộng khoảng 1 cm. Tương tự, bổ đôi ớt chuông theo chiều dọc, bỏ hạt và cuống, xắt thành những miếng rộng khoảng 2 cm. Xắt bắp cải thành những miếng có cạnh là 4 cm. Bỏ hạt bí đỏ, xắt thành những miếng mỏng, có độ dày khoảng 5 mm.
Cho các miếng thịt cừu lên khay. Rưới lên hai mặt thịt 4 thìa canh nước sốt.
Đun nóng chảo, cho vào một ít dầu ăn. Cho thịt và rau củ vào. Đầu tiên, cho một vài miếng thịt vào giữa chảo. Để lửa vừa. Khi thịt chuyển màu nâu, lật mặt còn lại. Cho một ít rau củ vào xung quanh các miếng thịt để rau củ ngấm nước tiết ra từ thịt. Sau khi thịt và rau củ đã chín, gắp ra đĩa. Dùng nước sốt làm nước chấm.
Kiến thức ẩm thực,
văn hóa nhật bản

Trong hình ảnh có thể có: món ăn
Nguồn gốc của món Jingisukan
Món ăn này lấy tên theo Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập và trị vì Đế quốc Mông Cổ trải dài khắp lục địa Á - Âu trong thế kỉ 13.
Món thịt cừu và thịt cừu non nướng xuất hiện ở Nhật Bản khoảng 100 năm trước. Cho đến thời điểm đó, cả thịt cừu lẫn thịt cừu non đều chưa được dùng làm nguyên liệu nấu ăn ở Nhật. Khi đó, thịt cừu gợi nhớ tới hình ảnh Mông Cổ và những đồng cỏ rộng lớn nuôi cừu ở đây. Cái tên Thành Cát Tư Hãn vốn đã quen thuộc với nhiều người Nhật. Có thể món này lấy cảm hứng từ món thịt cừu nướng của Trung Quốc mà nhiều người Nhật đến nước này đã được thấy ở vùng Đông Bắc.
Vào cuối thế kỷ 19, Chính phủ Nhật khuyến khích chăn nuôi cừu để lấy len. Người dân cũng được khuyến khích ăn thịt cừu để to lớn và khỏe mạnh hơn. Chính vì thế món thịt cừu nướng "Thành Cát Tư Hãn" đã ra đời. Chính quyền thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện ở Tokyo và Hokkaido để mọi người nếm thử món này. Món này bắt đầu phổ biến trong dân chúng vào khoảng những năm 1930. Hiện nay, nó vẫn rất phổ biến ở Hokkaido, nơi vẫn còn rất nhiều trang trại nuôi cừu.
Ở Nhật, một loại chảo sắt đặc biệt sử dụng trong món này. Phần giữa chảo gồ lên là chỗ để thịt, còn phần xung quanh để rau có hình giống như vành mũ. Thiết kế như vậy giúp cho rau ngấm được nước từ thịt tiết ra. Nhiều gia đình ở Hokkaido có loại chảo đặc biệt này và chỉ chuyên dùng cho món thịt cừu nướng Thành Cát Tư Hãn. Món này có một vị trí khá đặc biệt trong ẩm thực Nhật Bản.



ST

Lẩu gà ở Nhật đơn giản dành cho 4 người

Lẩu gà ở Nhật Bản đơn giản dành cho 4 người (TORI - NO - MIZUTAKI)
・500g thịt gà (tốt nhất là thịt chưa bỏ xương)
・400g cải thảo
・8 cốc nước (1,6l)
・1 thìa cà phê muối
・1 miếng gừng nhỏ (khoảng 20g)

Cách chế biến
Cắt thịt gà thành miếng 4cm, trần qua nước sôi rồi để ráo nước.
Cho 8 cốc nước (1,6l) và thịt gà vào nồi rồi đun lửa vừa cho tới khi sôi. Vặn nhỏ lửa và hầm sôi lăn tăn trong 20 phút, hớt bớt váng mỡ.
Cắt phần lõi cứng của cải thảo rồi tách riêng từng lá, cắt thành sợi 2cm, dài 6-7cm. Gọt vỏ gừng và thái chỉ mỏng.
Sau khi hầm gà được 20 phút, cho 1 thìa cà phê muối vào nồi gà. Cho rau cải thảo vào và đun thêm khoảng 5 phút nữa.
Múc gà, rau và nước hầm vào các bát nhỏ. Thịt gà và cải thảo có thể ăn với gừng thái chỉ và chấm với ponzu, là nước chấm pha với chanh, hoặc nước chấm vừng
Cách làm nước chấm ponzu và nước chấm vừng goma-dare
Thành phần (cho 4 người)
Nước chấm ponzu
・1 thìa canh nước cốt chanh tươi
・1 thìa canh giấm gạo
・2 thìa canh xì dầu
・2 thìa canh nước
Nước chấm vừng goma-dare
・2 thìa canh sốt vừng đặc (hoặc thay bằng bơ lạc)
・2 thìa cà phê đường
・2 thìa cà phê giấm gạo
・2 thìa canh xì dầu
・2 thìa canh nước
Cách chế biến
Để làm nước chấm ponzu, bạn hãy trộn đều nước cốt chanh và giấm gạo trong một cái bát nhỏ. Thêm xì dầu và cuối cùng là thêm nước vào, khuấy đều.
Để làm nước chấm vừng, bạn hãy trộn sốt vừng đặc với đường, rồi thêm giấm và xì dầu (theo đúng thứ tự này) và cuối cùng là nước.
Kiến thức ẩm thực
Ở Nhật Bản có nhiều loại cây họ chanh
Mặc dù chỉ là một quốc đảo nhỏ nhưng ở Nhật Bản có trồng tới hơn 100 loại cây họ chanh, trong đó có chanh vàng, quýt Nhật (mikan), chanh Nhật (yuzu) và chanh xanh (sudachi). Các loại trái này có đủ kích cỡ và mầu sắc khác nhau. Ruột của nhiều trái có thể ăn như những loại trái cây khác hoặc vắt nước uống. Người ta có thể vắt nước những trái này lên các món ăn để tăng thêm hương vị thơm ngon. Vỏ yuzu bào mỏng thường được cho vào súp nước trong. Còn nếu bạn muốn tắm cho ấm người lên thì có thể cho vỏ quýt khô vào nước. Vỏ quýt có chứa một chất giúp làm tăng tuần hoàn máu.

Lẩu gà ở Nhật đơn giản dành cho 4 người
ST

Các món củ cà rốt, củ cải ngâm dấm ở Nhật Bản

CÀ RỐT & CỦ CẢI NGÂM DẤM (NAMASU) & CỦ CẢI TRÒN TỈA HOA CÚC NGÂM DẤM (KIKKA - KABU)
Namasu và Kikka-kabu là các món ăn tô điểm màu sắc cho mâm cơm ở Nhật Bản. Namasu là món ăn có màu sắc tươi sáng, có sự tương phản giữa màu đỏ cam và màu trắng. Món này gồm có củ cải trắng và cà rốt thái chỉ mỏng, sau đó ngâm với dấm pha đường. Kikka-kabu làm từ củ cải tròn, được tỉa thành những sợi mỏng và tạo hình giống một bông hoa cúc đang nở.



Thành phần (cho 4 người)
Namasu (Cà rốt và củ cải ngâm dấm)
300 g củ cải
40 g cà rốt
(Để làm dấm pha đường)
1/2 chén dấm, tốt nhất là dấm gạo 
2 1/2 thìa canh đường
1/4 thìa cà phê muối
1 thìa canh nước
Kikka-kabu (Củ cải tròn tỉa hoa cúc ngâm dấm)
2 cây củ cải tròn nhỏ
1 quả ớt đỏ khô
Chuẩn bị một lượng dấm pha đường bằng lượng làm món namasu.
Cách chế biến
Đầu tiên, chúng ta làm món namasu. Gọt vỏ củ cải. Đặt lưỡi dao hơi chéo rồi xắt củ cải thật mỏng. Đặt 3, 4 miếng củ cải thái mỏng chồng lên nhau, và xắt chỉ thật mỏng.
Cho củ cải thái chỉ vào bát, rắc một nửa thìa cà phê muối lên. Dùng tay trộn để củ cải ngấm đều muối. Làm nhẹ tay để các miếng củ cải không bị gãy. Để đó trong khoảng 10 phút.
Làm tương tự với cà rốt. Đầu tiên gọt vỏ, sau đó để lưỡi dao chéo hơn so với khi xắt củ cải. Xắt cà rốt thành những miếng có đường kính khoảng 5 đến 6 cm. Đặt 3, 4 miếng cà rốt chồng lên nhau rồi thái chỉ. Thái mỏng hơn thái củ cải. Cho cà rốt vào một cái bát khác, rắc một lượng muối có thể nắm được bằng 3 ngón tay. Dùng tay trộn nhẹ để cà rốt ngấm đều muối. Để đó trong khoảng 10 phút.
Làm nước dấm pha đường. Cho 1/2 chén dấm, 2 thìa canh rưỡi đường, và 1/4 thìa cà phê muối. Trộn đều. Khi đường đã tan hết, cho vào 1 thìa canh nước. Sau khi củ cải đã mềm, cho vào khăn bông mỏng để vắt hết nước. Lúc này các sợi củ cải sẽ dính vào nhau và tạo thành hình tròn như quả bóng. Sau đó cho củ cải vào bát có dấm pha đường, tách các sợi củ cải ra. Sau khi cà rốt mềm, cho vào khăn bông mỏng để vắt hết nước, tương tự như với củ cải. Cho vào bát có nước dấm pha đường, trộn lên để cà rốt ngấm đều. Như vậy là món ăn này đã xong.
Tiếp theo, chúng ta làm món kikka-kabu, tức là củ cải tròn tỉa hoa cúc ngâm dấm. Cắt bỏ phần đầu và đuôi của củ cải tròn để được miếng củ cải hình tròn dày khoảng 2,5 cm. Gọt vỏ. Đặt miếng củ cải sao cho phần mặt cắt to nhất ở trên. Dùng dao xắt củ cải theo chiều thẳng đứng, nhưng không xắt rời ra mà chỉ chọc dao vào sâu 2/3 miếng củ cải. Xắt nhiều nhát, mỗi nhát cách nhau khoảng 1 mm. Sau khi xắt xong một lượt, xoay ngang (90 độ) miếng củ cải ra và tiếp tục xắt tương tự như vừa làm. Như vậy, chúng ta sẽ được các đường xắt đan xen nhau.
Lấy lượng muối có thể giữ được bằng 3 ngón tay xoa lên đáy của miếng củ cải, phần không có đường xắt. Để đó trong khoảng 10 phút.
Chuẩn bị phần dấm pha đường như ở món namasu. Lấy hạt ra khỏi ớt. Dùng một nửa quả ớt, xắt thành những miếng tròn mỏng rồi cho vào phần dấm pha đường. Rửa qua miếng củ cải để hết muối rồi bóp để củ cải ra nước. Xắt củ cải thành những miếng có kích cỡ 2 cm rồi ngâm vào phần dấm pha đường trong khoảng 15 phút. Như vậy là món ăn đã hoàn thành.
Kiến thức ẩm thực
Kazari-giri - Cắt tỉa trang trí trong ẩm thực Nhật Bản
Ẩm thực Nhật Bản thường sử dụng kazari-giri, tức là kỹ thuật cắt tỉa trang trí rau củ và các nguyên liệu thành hình hoa lá, vừa trông đẹp mắt vừa thể hiện đặc trưng của mùa.
Có rất nhiều cách cắt tỉa như vậy. Ví dụ, icho-ninjin là cắt cà rốt thành những miếng trông giống lá cây icho, tức lá cây bạch quả. Một ví dụ khác là matsuba-giri, vỏ quả yuzu hay quả thanh yên và một số quả khác được tỉa thông như lá kim của cây thông.
Món kikka-kabu mà chúng ta học làm hôm nay cũng là một ví dụ của kỹ thuật cắt tỉa trang trí. Các đường cắt cũng giúp củ cải thấm gia vị tốt hơn. Tương tự như vậy, người ta tỉa phần mũ nấm shiitake trông giống bông hoa, không chỉ giúp đẹp mắt mà còn giúp nấm dễ ngấm hương vị và mềm hơn khi ăn.
Kỹ thuật cắt tỉa nguyên liệu vừa giúp làm tăng hương vị, vừa khiến người ăn vui mắt và thích thú. Kỹ thuật này thấm đẫm tinh thần omotenashi, tức là hiếu khách của Nhật Bản.

ST