Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Nhật Bản: Điểm qua những món ăn được cho là khó nuốt nhất

 Khám phá nước Nhật Bản: Điểm qua những món ăn ở Nhật Bản được cho là khó nuốt nhất, bạn nào đau tim thì đừng xem nhé.
Ở Nhật Bản, có những món ăn đòi hỏi người thưởng thức phải có lòng can đảm, nhắm mắt nhắm mũi mới nuốt trôi được. Dưới đây là 6 món ăn được liệt vào trong danh sách đó.

[​IMG]

Mì mực sống: Đây là món mỳ gạo mực nhảy múa thường có trong các nhà hàng sang trọng ở Nhật Bản. Ấn tượng của món này là phần xúc tu của con mực ống sống được để nguyên trên bát mỳ cùng với đầu mực được thái lát mỏng. Khi chúng ta đổ nước tương vào xúc tu của con mực sống đặt trong bát, những xúc tu này ngay lập tức sẽ "nhảy múa". Sau khi xem xong màn trình diễn của mực ống trên tô mỳ, khách hàng có thể trực tiếp ăn hoặc nhờ đầu bếp sơ chế qua.

[​IMG]

Cá nóc Nhật Bản: Món Fugu hay cá nóc ở Nhật Bản là món ăn lâu đời nhưng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được chế biến đúng cách. Cá nóc chứa một lớn chất kịch độc trong gan và buồng trứng, đầu bếp phải được cấp chứng nhận đặc biệt mới được phép chế biến loại cá này.

[​IMG]

Cá sống Shirouo: Những chú cá rất nhỏ, trong suốt được bày ra đĩa và ăn sống. Cái thú khi thưởng thức shirouo Nhật Bản là cảm nhận những con cá nhỏ ngọ nguậy trong miệng. Khi ăn, thực khách đập quả trứng vào cốc và trộn với một chút giấm. Giấm trộn vào shirouo để làm xót, khiến cá "nhảy múa" mạnh hơn bình thường, tạo "cảm giác" nhiều hơn cho người thưởng thức.

[​IMG]

Sushi côn trùng: Bản thân món sushi đã rất khó ăn đối với những người không phải người Nhật bởi có nhiều loại sushi sử dụng thịt sống làm nguyên liệu. Nhưng sushi côn trùng còn kinh dị hơn thế nhiều… Ngày này côn trùng đã trở thành một món ăn phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Campuchia và Nhật Bản cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

[​IMG]

Món ăn từ bộ phận sinh dục của cá: Món ăn đặc biệt này có tên Shirako. Đây là món ăn được chế biến từ bộ phận sinh dục của cá đực. Hoặc được chế biến cùng với các túi tinh dịch của cá. Ở Nhật Bản, người ta thường dùng shirako của cá nóc hay cá tuyết. Theo nhận xét của nhiều người, shirako không phải là món dễ ăn. Mùi vị của nó khá nồng. Hơn nữa, người Nhật Bản lại thích ăn shirako còn sống.

[​IMG]

Mắt cá ngừ: Mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn mang lại cảm giác máu me và rùng rợn cho những ai lại gần. Người ta chỉ cần đun sôi một chút nước sạch rồi đưa mắt cá ngừ vào trần qua là có thể thưởng thức. Dù rất bổ dưỡng nhưng mắt cá ngừ lại không phù hợp với những người có dạ dày yếu. Ngày nay, cá ngừ được đánh bắt, lấy mắt và bày bán phổ biến ở những siêu thị, cửa hàng tạp hóa ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Báo Lao Động

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Điểm qua những món ăn độc đáo của ẩm thực Nhật Bản

Có thể nói đồ ăn của Nhật Bản luôn hút lượt du khách nước ngoài đặc biệt là các bạn đi du học Nhật bản tự túc và XKLĐ , hầu như ai cũng nhớ các món ăn của người Nhật đơn giản vì nó lạ và độc đáo
Đồ chay, cơm gà, bạch tuộc viên, bánh xèo, đồ ngọt... là những món ngoài sushi mà du khách nên thưởng thức khi đến đất nước mặt trời mọc.

Điểm qua những món ăn độc đáo của ẩm thực Nhật Bản


Shojin-ryori (Đồ chay): Các món chay của Nhật được hình thành và hoàn thiện qua nhiều thế kỷ. Nơi tốt nhất để thưởng thức loại đồ ăn này là ở các đền miếu (hoặc một nhà hàng truyền thống quanh đó), hay một lớp học nấu ăn. 

Oyakodon (Cơm gà): Món ăn này khá đơn giản, gồm cơm, thịt gà, trứng, hành và một loại nước sốt nhạt. Tuy nhiên, như nhiều món Nhật khác, sự đặc biệt của Oyakodon đến từ chất lượng nguyên liệu được sử dụng.

Okonomiyaki (Bánh xèo): Bột đặc được trộn cùng bắp cải thái nhỏ và bất cứ loại nhân nào bạn thích, như thịt muối, hải sản, phô mai... Sau khi bánh chín, bạn có thể cho lên trên sốt okonomi, mayonnaise, rong biển và cá bào.   
 
Bánh bông lan Kabocha: Món bánh này là sự kết hợp hoàn hảo giữa những nguyên liệu Nhật (rau củ địa phương, đậu adzuki, đậu phụ) và cách nướng của phương Tây, tạo ra vị ngon bất ngờ. Bạn có thể thưởng thức món bánh này ở cố đô Kyoto trong các quán cà phê hoặc bánh ngọt.

Takoyaki (Bạch tuộc viên): Bạch tuộc viên nướng được cho thêm hành tươi, gừng muối, bột tenkasu, rong biển, và các miếng bạch tuộc nhỏ. Bên trong viên thịt rất nóng, nên những người ăn lần đầu không cẩn thận dễ bị bỏng.

Đồ ngọt: Các loại đồ ngọt của Nhật Bản vô cùng phong phú và được nâng lên thành một nghệ thuật, nhất là những món được dùng trong tiệc trà. Khi vào một hàng đồ ngọt ở Nhật, bạn sẽ có cảm giác muốn mua tất cả mọi món. Từ những chiếc mochi mềm mại làm từ bột gạo, tới những chiếc dorayaki nhân đậu đỏ... mỗi vùng, mỗi khu vực lại có những món với cách chế biến khác nhau.

Đặc sản địa phương: Bạn có thể tới Okinawa để thưởng thức món khoai lang tím, tới Hokkaidō nếm thử món mì bơ ngon bất ngờ hay thịt cừu nướng, cùng một chai bia Sapporo.

Ẩm thực lễ hội: Tới bất cứ một lễ hội nào, bạn sẽ được thấy trái tim ẩm thực đầy thú vị của Nhật Bản, với những quầy hàng chuyên bán một vài món. Du khách có thể nhận ra những món quen thuộc như yakisoba (mì xào), yakitori (gà nướng), xúc xích..., tới những món lạ như yaki-mochi (mochi chiên), kakigōri (đá bào), ika-yaki (mực nướng)....

xem thêm văn hóa nhật bản và các món ăn Nhật bản tại Blog Món ăn ngon

nguồn: zingme 

Mê nước Nhật thì không thể bỏ qua quy tắc “số 5 thần thánh” trong ẩm thực này

Du học Nhật Bản mỗi bạn nên trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa, ẩm thực, phong tục, lối sống của người Nhật để có thể hòa nhập nhanh chóng và yêu hơn đất nước, con người nơi đây.
Có thể không phải ai cũng hợp khẩu vị đồ Nhật, nhưng nếu nói đến những nền ẩm thực đẹp mắt và tinh tế hàng đầu thì món Nhật chắc chắn phải lọt top. Không giống bất kì nền ẩm thực nào trên thế giới, món Nhật xinh đẹp như một tác phẩm nghệ thuật dù đó là món ăn bình dân, hàng ngày hay là các món ăn cho dịp trọng đại. Dựa trên nền tảng các quy tắc sau, món ăn của người Nhật luôn toát lên tinh thần duy mỹ và tính triết lý sâu sắc.
"Số 5 thần thánh" mà bạn cần biết nếu muốn nấu và thưởng thức món ăn Nhật trọn vẹn là: 5 màu, 5 vị, 5 phương thức nấu, tạo nên bộ ba gọi là Tam Ngũ. Không chỉ là nền tảng giúp ẩm thực Nhật Bản phát triển rực rỡ như ngày nay, Tam Ngũ còn làm nên chế độ ăn làm tăng tuổi thọ của người Nhật, và bạn có thể áp dụng nó vào chính những bữa ăn hàng ngày của mình!

Mê nước Nhật thì không thể bỏ qua quy tắc “số 5 thần thánh” trong ẩm thực này


Go shiki – Nguyên tắc 5 màu sắc
Nhìn vào đĩa thức ăn của người Nhật, bạn thường cảm thấy nó đẹp và rực rỡ vô cùng đúng không? Không phải tự dưng mà món Nhật lại bắt mắt, nghệ thuật nấu ăn của người Nhật giống như vẽ tranh vậy: Mỗi món và cả mỗi bữa nữa đều phải hội tụ 5 màu sắc cơ bản, tạo nên phần ăn hài hòa và còn đủ giá trị dinh dưỡng. 5 màu cơ bản trong món Nhật chính là:
- Trắng: Từ cơm. thịt cá, củ cải, nấm tuyết…
- Đỏ: Từ các loại thịt đỏ như bò, cá hồi, trứng cá…
- Xanh: Từ rau lá xanh, củ màu xanh…
- Vàng: Từ các loại rau củ có màu vàng cam, các loại nấm quý, trứng, nhím biển…
- Đen: Bao gồm cả các màu thẫm như tím, nâu… từ thịt nướng, nấm, cà tím, rong biển, nước tương…
Một cách ví dụ về sự phối màu trong nấu nướng của người Nhật: Hãy "mổ xẻ" một khoanh sushi là thấy ngay thôi!
5 màu sắc này xuất hiện trong mọi ngóc ngách của ẩm thực Nhật Bản, từ riêng một món ăn đến cả mâm cơm. Có thể bạn sẽ thấy "phát khiếp" vì cái sự bày biện khi ăn của người Nhật, chén này một tí và đĩa kia một ít, nhưng ý nghĩa sau thói quen này sẽ khiến bạn bất ngờ. Không chỉ làm bữa ăn thêm đẹp với màu sắc phong phú, hài hòa, 5 nhóm màu này cũng đại diện cho các nhóm dinh dưỡng thiết yếu. Ngoài ra, nó còn tượng trưng cho 5 nguyên tố tự nhiên căn bản: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Sẽ chẳng phải ngoa nếu nói rằng, trong mỗi đĩa thức ăn xinh đẹp ấy, chứa đựng tinh hoa của cả đất trời.
Nakayama Kaneyoshi – một học giả người Nhật cho biết: Hòa mình và đồng nhất với thiên nhiên là xúc cảm tiềm ẩn trong cội nguồn đời sống tinh thần của người Nhật Bản.
Go mi – Nguyên tắc 5 vị
Tuy rất thích đẹp nhưng người Nhật còn thích ăn ngon nữa, nên hương vị vẫn là yếu tố hàng đầu, thể hiện qua nguyên tắc phối hợp 5 hương vị hài hòa: Mặn – chua – ngọt – đắng – umami.
Mặn, chua, ngọt, đắng thì quá quen thuộc, nhưng còn umami thì sao? Hiểu nôm na thì đây là vị ngọt thịt, được người Nhật khám phá từ lâu đời và biến nó thành đặc trưng, giúp phân biệt ẩm thực nước mình với ẩm thực thế giới. Khác với vị ngọt của đường, umami được miêu tả là vì ngọt thanh nhưng kéo dài, đọng lại trên đầu lưỡi và yết hầu, bạn có thể tìm thấy nó trong nước dùng, các món nướng và hầm. Nó cũng có thể hiểu rộng ra là "vị ngon" - món ăn không có umami thì không thể xem là ngon.
Nếu bạn thắc mắc tại sao món Nhật luôn thanh nhẹ lạ kì – thì bí quyết nằm ở umami đấy. Người Nhật luôn cố gắng giữ được vị ngọt tinh khiết trong thịt cá bằng cách nấu nướng tối giản, cốt giữ sao cho thịt tươi và ngọt tự nhiên mà không phải nêm nếm quá nhiều. Vị thanh nhẹ này không chỉ tốt cho sức khỏe, mà sâu xa trong nó còn thể hiện thái độ trân trọng tự nhiên của người Nhật: Thiên nhiên ban cho họ món gì thì họ ăn món đấy, không muốn thay đổi quá phức tạp.
Học giả người Nhật Eiichi Aoki cho rằng: Tinh thần hợp tá, chứ không phải là mối quan hệ đối kháng được phát triển giữa người Nhật và môi trường tự nhiên xung quanh.
Các gia vị thường thấy trong món Nhật đều đại diện cho 5 vị:
-          Mặn: từ tương
-          Ngọt: từ mirin
-          Chua: từ giấm gạo
-          Đắng: từ matcha
-          Umami: từ cơm, thịt
Một món ăn ngon là phải có đủ 5 vị này, trong đó những cái mặn, chua, ngọt, đắng là sự bổ trợ giúp umami nổi bật. Hương vị tự nhiên chính là đặc trưng riêng giúp ẩm thực Nhật Bản đứng vững và sánh ngang với các nền ẩm thực lớn khác – đơn cử như ẩm thực Pháp ưa chế biến và nêm nếm cầu kì.
Go hoo – 5 cách chế biến
Có màu sắc đẹp, có gia vị ngon chưa đủ, còn phải biết cách nấu thì món Nhật mới ngon được. Trông ẩm thực Nhật có vẻ thanh tao, dung dị, nhưng kì thực người Nhật đã áp dụng đủ phương pháp nấu nướng tinh vi, tới mức đầu bếp David Chang cũng đồng thời là chủ nhà hàng đoạt giải James Beard đã phải thốt lên: “Đằng nào người Nhật cũng có thể nấu và ăn mọi thứ!”
Sơ sơ thì khi nấu ăn, người Nhật thường dùng 5 cách nấu là hầm, nướng, hấp, rán, luộc. Chúng rất quen thuộc nhưng với người Nhật, kĩ thuật đòi hỏi cao hơn so với tưởng tượng của chúng ta nhiều. Dù là nấu bằng cách nào thì món ăn cũng không được mất đi vị ngọt và độ ẩm tự nhiên – gắn chặt với quy tắc phải có vị Umami ở trên.
Để giữ thức ăn ngon ngọt tự nhiên thì người Nhật luôn cố gắng sử dụng nguyên liệu tươi. Họ ăn thực phẩm theo màu để chúng ở trạng thái tươi ngon nhất, nấu vừa phải để không chừa món thừa qua đêm, những loại thịt ăn sống không ngon thì dùng để hấp, nướng… giúp tăng mùi vị. Tùy vào đặc trưng của thực phẩm mình có, người Nhật sẽ linh hoạt chọn ra phương pháp hợp lý để vị tươi ngon này được bộc lộ.
Quy tắc Go Hoo cũng giúp bữa ăn trở nên phong phú hơn. Không có chuyện một bữa ăn kiểu Nhật chỉ có toàn món chiên hay món hấp, mà phải cân bằng giữa các kiểu nấu để bớt ngán ngấy. Chỉ cần "nghía" qua một mâm cơm kiểu Nhật là bạn thấy ngay quy tắc này:
-          Hấp: cơm
-          Nướng: cá nướng
-          Luộc: súp miso
-          Hầm: khoai tây
-          Rán: thịt rán
Kết
Văn hóa Nhật Bản nói chung và ẩm thực Nhật nói riêng luôn là đề tài khiến chúng ta tò mò, hứng thú. Không cần hoa mĩ cầu kì, các triết lý sâu sắc của người Nhật thể hiện ngay trong cách ăn, cách nấu hàng ngày của họ. Câu chuyện và quy tắc Tam Ngũ không chỉ giúp bạn hiểu về cách nấu món Nhật, hay cho bạn kinh nghiệm nấu nướng thơm ngon và bổ dưỡng hơn, mà thông qua đó còn thể hiện rất rõ phẩm chất dân tộc tuyệt vời của người Nhật: Tình yêu thiên nhiên, sự khéo léo và hài hòa, tất cả tập hợp trong một tổng thể duy mĩ là những món ăn vừa ngon, vừa đẹp, vừa ý nghĩa.